Chuyên gia đề xuất nước ngọt sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu bia chia theo nồng độ cồn.
Trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml. Mức thuế dự kiến là 10%.
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5 gram trên 100ml, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11 gram trong 100ml. Ailen và Anh theo hai ngưỡng, 5-8 gram chịu một mức thuế và trên 8 gram sẽ cao hơn 1,5 lần.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội tư vấn và Đại lý thuế TP HCM đồng tình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nhưng thuế suất bao nhiêu cần xem xét.
“Cần tính toán xem khi đánh thuế 1% sẽ tác động bao nhiêu đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng”, ông nói.
Chuyên gia này đề xuất có các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu bia chia theo nồng độ cồn. Theo ông Được, việc này đảm bảo mục tiêu điều tiết vĩ mô, giúp người dân ý thức hạn chế dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Ngược lại, phương án này minh bạch, công bằng với doanh nghiệp trong ngành đồ uống.