Tại cuộc họp mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi đề xuất chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng chính sách thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt những đối tượng mua vàng nhằm đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Cần xây dựng chính sách đánh thuế với vàng
Ngày 9/6, NHNN tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Phát biểu tại cuộc họp PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi – Thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo bà Mùi, việc áp dụng chính sách thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt những đối tượng mua vàng nhằm đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm thuế xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
Cũng theo ông Nghĩa, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng và đặc biệt phải học tập kinh nghiệm các nước. Một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại, trong đó quản lý bằng thuế là quan trọng nhất…
TS.Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước đối với bất động sản, vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác.
“Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm ở các nước trên thế giới, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên viên Tài chính ngân hàng độc lập dẫn chứng, lấy một mô hình trên thế giới để thấy quốc gia nào không có vàng hóa là Mỹ. Nước Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty.
“Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS. Hiếu nói.
Người dân cần cẩn thận khi giao dịch vàng
Các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo để người dân thận trọng khi mua vàng. Theo TS. Trương Văn Phước, NHNN bán vàng cho 04 NHTM Nhà nước và Công ty SJC và giá vàng đã xuống. Theo ông Phước, lúc này người dân cần hết sức thận trọng, nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính chúng ta tạo ra.
“Việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt”, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh, giá vàng tăng thì người mua mới có lời. Nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm đi thì “nó chỉ có khía cạnh là mình giữ được 1 chỉ vàng sau 5 năm 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng”.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời như tiền gửi, chứng khoán, bất động sản … tùy thuộc và hiểu biết, điều kiện của người dân.
“Mua 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc là tổ chức cưới con cháu thì còn được, chứ bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ với 1 cây, mức lời cũng khiêm tốn”, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đánh giá vàng sức hấp dẫn và nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đôla hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, tuy nhiên việc xử lý cần có thời gian.